NGÀY THẾ GIỚI NHẬN THỨC VỀ TỰ KỶ VÌ MỘT CỘNG ĐỒNG THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI TỰ KỶ

Đăng vào ngày 02/04/2025 lúc: 11:34 138 lượt xem

Ngày 2 tháng 4 hằng năm là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, một dịp đặc biệt để cộng đồng quốc tế cùng nhau nâng cao nhận thức và hiểu biết về rối loạn phổ tự kỷ, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ và tạo môi trường sống thân thiện cho những người tự kỷ để họ được có cơ hội hòa nhập xã hội, sống độc lập và phát triển những khả năng đặc biệt.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số lượng trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ trên thế giới ngày càng gia tăng, tỷ lệ mắc tự kỷ trên toàn cầu năm 1970 là 1/10.000, đến năm 2000 tỉ lệ trên đã lên đến 1/150 và gần nhất năm 2023 theo CDC Hoa Kỳ tỉ lện này đã đạt tới 1/36, trong đó tỉ lệ trẻ nam so với nữ là 4/1. Tại Việt Nam theo công bố của Tổng cục Thống kê (tháng 1/2019), có khoảng 1 triệu người rối loạn phổ tự kỷ. Tỉ lệ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ ước tính là 1% số trẻ sinh ra. Qua thống kê sơ bộ tại Khoa Nhi- Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, tỷ lệ trẻ có biểu hiện tự kỷ được đưa đến thăm khám tăng lên rõ rệt trong vài năm trở lại đây.

Những hiểu lầm không đáng có

Mặc dù nhận thức xã hội và mối quan tâm của cha mẹ đối với rối loạn phổ tự kỷ đã tăng lên trong vài năm trở lại đây, nhiều người vẫn còn có quan niệm sai lầm về rối loạn phổ tự kỷ, dẫn đến tình trạng chậm chẩn đoán và điều trị, để lại gánh nặng lâu dài cho gia đình và xã hội.

Một số quan niệm sai lầm thường thấy như:

– Tự kỷ là một căn bệnh có thể lây lan

– Tự kỷ gây ra do tiêm các loại vắcxin, do chế độ ăn nhiều đạm động vật, thiếu vitamin, tự kỷ là do cha mẹ nuôi con không đúng cách

– Trẻ tự kỷ luôn có hành vi lạ và không thể kiểm soát

– Trẻ tự kỷ không có khả năng học hỏi phát triển

– Trẻ tự kỷ không nên được học tập và hòa nhập trong môi trường xã hội bình thường vì sẽ gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh

Những quan niệm này không chỉ tăng tính kì thị đối với trẻ tự kỷ, gây cảm giác tự trách, tăng áp lực cho cha mẹ trẻ mà còn làm chậm trễ quá trình được phát hiện, đánh giá, can thiệp sớm; đồng thời trở thành rào cản, khiến trẻ tự kỷ khó khăn hơn trong quá trình phát triển và hòa nhập xã hội.

Hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ

Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh được đặc trưng bởi sự suy giảm khả năng tương tác và giao tiếp xã hội, các kiểu hành vi lặp đi lặp lại và rập khuôn cũng như sự phát triển trí tuệ không đồng đều. Rối loạn này xuất hiện sớm trong thời thơ ấu, thường là trước khi bắt đầu đi học và ảnh hưởng đến sự phát triển của các chức năng cá nhân, xã hội, học tập và/hoặc nghề nghiệp. Trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập với thế giới xung quanh.

Điều trị rối loạn phổ tự kỷ thường có tính chất đa ngành trong đó các can thiệp tâm lý và giáo dục đặc biệt có vai trò quan trọng nhất.  “Thời gian vàng” để can thiệp cho trẻ tự kỷ là trước 3 tuổi-  đây là cơ hội để kịp thời giúp tăng khả năng cải thiện triệu chứng, cải thiện chức năng xã hội và giảm khả năng xuất hiện các bất thường khác như rối loạn cảm xúc hành vi, các rối loạn về học tập trong những năm tiếp theo của cuộc đời. Điều trị hóa dược không có tác dụng làm mất các triệu chứng tự kỷ, tuy nhiên nó giúp kiểm soát các tình trạng bất thường cảm xúc hành vi đi kèm, từ đó làm tăng khả năng tập trung chú ý và hiệu quả can thiệp trên trẻ.

Ảnh- hoạt động của cô và trò trong một buổi can thiệp tại khoa Nhi- BVPHCN

Cha mẹ là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc và can thiệp trẻ tự kỷ. Nhằm xây dựng cộng đồng hỗ trợ gia đình trẻ tự kỷ, ngày thế giới nhận thức về tự kỷ năm nay (02/04/2025) được tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy chủ đề là “VÌ MỘT CỘNG ĐỒNG THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI TỰ KỶ”. Ba yếu tố chính của thông điệp này là:

– Hiểu: Việc hiểu về rối loạn phổ tự kỷ là bước đầu tiên trong quá trình hỗ trợ. Để hỗ trợ gia đình, cần có kiến thức về các triệu chứng của tự kỷ và những nhu cầu đặc biệt mà trẻ tự kỷ có thể gặp phải. Sự hiểu biết này sẽ giúp gia đình, nhà trường, và cộng đồng nhìn nhận vấn đề đúng đắn và tìm ra cách thức hỗ trợ hiệu quả.

– Đồng hành: Đồng hành cùng gia đình có trẻ tự kỷ nghĩa là trở thành một người bạn, người hỗ trợ trong hành trình nuôi dạy và chăm sóc trẻ. Điều này có thể là việc tham gia cùng gia đình trong việc tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ, giáo dục đặc biệt, hay giúp đỡ trong những tình huống khó khăn. Đồng hành cũng có thể là sự hỗ trợ tinh thần, tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh không cảm thấy cô đơn trong hành trình nuôi dạy con cái.

– Hỗ trợ: Hỗ trợ gia đình có trẻ tự kỷ không chỉ là giúp đỡ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần. Hỗ trợ có thể là việc cung cấp các nguồn lực, thông tin về giáo dục đặc biệt, các phương pháp trị liệu, hoặc tạo ra một môi trường hòa nhập tích cực và phù hợp cho trẻ.

Hãy hành động vì cộng đồng trẻ và gia đình trẻ tự kỷ. Mỗi chúng ta đều có thể góp phần xây dựng một xã hội bao dung và thấu hiểu. Hãy lan tỏa những thông tin đúng đắn và tích cực về rối loạn phổ tự kỷ, tham gia các chương trình liên quan đến trẻ tự kỷ, hỗ trợ các gia đình, công nhận tính khác biệt và những năng lực đặc biệt của người tự kỷ. Hãy cùng nhau tạo nên một thế giới nơi mọi người đều được sống và phát triển trong sự tôn trọng và yêu thương. Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ là lời nhắc nhở rằng chúng ta luôn có thể làm nhiều hơn để mang đến hy vọng và niềm vui cho những người mắc rối loạn phổ tự kỷ và gia đình của họ./.

 

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *