Liệt mặt ngoại biên (liệt dây thần kinh số VII ngoại biên) là bệnh phổ biến đứng đầu trong số các bệnh của dây thần kinh mặt với số người mắc bệnh vào khoảng 20-60/100.000 người/năm.
1. Giải phẫu chức năng dây thần kinh số VII
Nhân dây thần kinh VII nằm ở cầu não có nhân vận động, nhân cảm giác nhân thực vật ( lệ tỵ và bọt trên cho ra dây VII’); chia hai phần:
Nhân phần trên phụ trách nửa mặt trên (từ đuôi khóe mắt trở lên) , nhân phần dưới phụ trách nửa mặt dưới.
Nhân phần trên được vỏ não hai bán cầu chi phối vì vậy khi tổn thương bán cầu não một bên thì nửa mặt trên không bị liệt. Nhân phần dưới chỉ được vỏ não bên đối diện chi phối nên khi tổn thương một bán cầu não chỉ gây liệt nửa mặt dưới bên đối diện.Dây thần kinh số VII phụ trách vận động các cơ bám da mặt, cơ bám da cổ, xương bàn đạp ở tai giữa (dây VII). Dây VII đi qua xương đá nhận thêm sợi phó giao cảm dây VII’ chi phối hoạt động bài tiết của các tuyến nước mắt, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi, tuyến niêm dịch của mũi và cũng nhận thêm vị giác ở hai phần ba trước lưỡi và cảm giác vòm miệng, cảm giác nông vùng ống tai ngoài và vùng da nhỏ phía sau vành tai (dây VII’). Dây thần kinh VII là một dây hỗn hợp : Vận động, cảm giác, thực vật, dinh dưỡng và phản xạ. Đường đi của dây thần kinh VII được chia làm 3 đoạn:
Đoạn trong sọ: Từ nhân dây VII ở cầu não, dây đi vòng qua nhân dây VI và chui ra khỏi não ở rãnh hành – cầu não để đi vào xương đá qua lỗ tai trong. Ngay ở đoạn trong sọ dây VII cũng có đoạn trong não và đoạn trong màng não. Khi tổn thương đoạn trong sọ gây liệt mặt ngoại vi, khô mắt, giảm thính lực, mất cảm giác 1/3 trước lưỡi và khô miệng cùng bên tổn thương.
Đoạn trong xương đá: sau khi qua lỗ tai trong, dây VII đi trong ống tai trong. Đoạn này dây VII đi bên cạnh dây VIII, nằm ngay trên dây VIII (uốn cong như một cái võng ở hạch gối) rồi chui vào hố trước trên của đáy ống tai, dây VII vào ống Fallop.
- Đoạn 1 trong xương đá nằm trước hạch gối, ở đoạn này dây VII’ phân nhánh cho tuyến lệ để chi phối tiết nước mắt. Nếu tổn thương dây VII sau chỗ chia nhánh cho tuyến lệ thì bệnh nhân không bị khô mắt. Đoạn 1 dài khoảng 14,72 mm; Góc tạo bởi đoạn 1 và đoạn 2 dây VII (góc của hạch gối) trung bình là 78°.
- Đoạn 2 trong xương đá sau hạch gối phân nhánh vận động cho cơ bàn đạp, dây VII’ tách ra khỏi dây VII tạo thành dây thừng nhĩ và phân nhánh cảm giác cho 1/3 trước lưỡi và tuyến nước bọt mang tai. Nếu tổn thương đoạn 2 sau chỗ tách ra dây thừng nhĩ thì bệnh nhân chỉ liệt mặt đơn thuần mà không khô mắt, không giảm thính lực, không mất cảm giác 1/3 trước lưỡi và không khô miệng. Chiều dài đoạn 2 dây VII trung bình là 11.08 mm. Khoảng cách từ gối 2 đến điểm xuất phát dây thừng nhĩ trung bình là 10.88 mm; khoảng cách từ lỗ trâm chũm đến điểm xuất phát của dây thừng nhĩ là 4.78 mm.
- Đoạn ngoài xương đá (đoạn ngoài sọ): Dây VII chui qua lỗ châm chũm để ra ngoài sọ, sau đó đi qua giữa 2 thùy của tuyến mang tai và chia thành 2 nhánh tận (nhánh thái dương – mặt và nhánh cổ – mặt). Đây là hai nhánh thuần vận động phân bố cho cơ bám da mặt và bám da cổ.
- Nhánh thái dương – mặt còn gọi là nhánh trên phân bố cho các cơ nằm bên trên mặt, trong đó có ba cơ quan trọng là cơ trán, cơ mày và cơ vòng mi mắt.
- Nhánh cổ – mặt còn gọi là nhánh dưới phân bố cho các cơ nằm bên dưới mặt, trong đó quan trọng là cơ vòng miệng và xa hơn nữa dây VII phân nhánh xuống tới tận cơ bám da cổ.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên làm mất chức năng thần kinh trên khuôn mặt do làm ảnh hưởng đến hình ảnh, khả năng giao tiếp và thể hiện cảm xúc, tâm lý của người bệnh. Bệnh còn ảnh hưởng đến thị lực và việc thực hiện một số hoạt động thường ngày như ăn nhai, uống nước, vệ sinh răng miệng khó khăn hơn. Nặng nề hơn có thể để lại di chứng co thắt cơ mặt lan tỏa, chảy nước mắt khi hoạt động cơ mặt.
2. Nguyên nhân và triệu chứng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên theo YHHĐ
2.1. Nguyên nhân:
Nguyên nhân của liệt VII ngoại biên được chia thành hai nhóm bao gồm liệt VII ngoại biên nguyên phát (liệt Bell) và liệt VII ngoại biên thứ phát.
Liệt Bell: Tỷ lệ mắc mới trong dân số dao động từ 11,5 đến 40,2/100 000 người, là nguyên nhân thường gặp nhất của liệt VII ngoại biên (chiếm 70%). Bệnh do tổn thương nơron vận động dưới biểu hiện với triệu chứng liệt hoàn toàn một bên mặt. Các giả thuyết cho rằng người bệnh có tiền căn nhiễm virus (đặc biệt là trong môi trường lạnh) và nó có thể tái phát ở 10% trường hợp.
Liệt VII ngoại biên thứ phát:
Chấn thương (chiếm 10 – 23%): Chấn thương gãy xương liên quan đến phần xương thái dương và vết thương cắt ngang các nhánh của dây thần kinh mặt có thể gây ra liệt dây thần kinh số VII.
Nhiễm vi khuẩn: Viêm tai giữa cấp, cholesteatoma, viêm tai ngoài hoại tử cũng có thể gây liệt mặt ngoại biên…
Khối u chèn ép (chiếm 2,2 – 5%): Nếu liệt mặt diễn tiến chậm thì nên nghi ngờ các bệnh lý ác tính. Các khối u ác tính dẫn đến liệt dây thần kinh mặt bao gồm u ác tính mang tai, u dây thần kinh mặt và thính giác, u màng não và màng nhện.
Bệnh lý tự miễn dịch: Bệnh đa xơ cứng, sarcoidosis, hội chứng Guillain Barre,…
2.2. Triệu chứng
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên thường khởi phát đột ngột các triệu chứng:
Liệt toàn bộ một bên mặt, mất nếp nhăn trán, rãnh mũi má mờ, ăn uống khó, dắt đọng thức ăn, nước uống bên liệt, người bệnh không làm được một số động tác như huýt sáo, thổi lửa.
Charles – Bell (+): mắt nhắm không kín ở bên liệt
Khi tĩnh gương mặt trở lên đờ đẫn, nhân trung lệch về bên lành
Mất vị giác 2/3 trước lưỡi
Có thể có rối loạn thần kinh thực vật kèm theo như: chảy nước mắt, khô mắt, giảm vị giác, giảm tiết nước bọt, nghe vang đau, cảm giác đau sau tai.
3. Quan điểm Y học cổ truyền điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
Theo quan điểm của y học cổ truyền bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh thuộc phạm trù chứng “Khẩu nhãn oa tà”.
3.1. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 theo Y Học Cổ Truyền:
Ngoại nhân: Phong hàn, phong nhiệt thường có triệu chứng bệnh tương ứng liệt Bell, liệt mặt do nguyên nhân viêm nhiễm theo Y Học hiện đại.
Bất nội ngoại nhân: Chấn thương vùng đầu mặt, và một số nguyên nhân khác, được mô tả chứng trạng tương đối phù hợp liệt mặt thứ phát Y học hiện đại.
3.2. Triệu chứng theo Y học cổ truyền
Cơ sở lý luận Y học cổ truyền: Theo YHCT do phong hàn, phong nhiệt xâm phạm hoặc do sang chấn, chấn thương vùng đầu mặt làm cho khí huyết của các kinh lạc vùng đầu mặt bị ứ trệ không thông mà gây nên bệnh. Các thể bệnh theo YHCT gồm:
Phong hàn phạm kinh lạc: thường bao gồm các triệu chứng liệt 1⁄2 mặt và các triệu chứng khác như Y học hiện đại kèm theo người bệnh có sợ gió, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù. Bệnh thường khởi phát khi thay đổi thời tiết trở lạnh hoặc người bệnh sau khi người bệnh bị nhiễm lạnh.
Phong nhiệt phạm kinh lạc: triệu chứng bệnh giống liệt mặt do phong hàn, nhưng người bệnh có sốt, sợ gió, sợ nóng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
Huyết ứ kinh lạc: triệu chứng liệt xuất hiện sau chấn thương hoặc sau làm thủ thuật vùng hàm mặt.
4. Điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
4.1. Nội khoa
Corticosteroid, thuốc kháng virus (nếu nguyên nhân do virus) giúp giảm viêm và điều trị nguyên nhân hỗ trợ phục hồi.
Thuốc chống virus cho những trường hợp có nhiễm virus hay đau vùng sau tai, rối loạn cảm giác vùng mặt.
4.2. Ngoại khoa
Được chỉ định cho các trường hợp liệt mặt xảy ra ngay sau chấn thương xương đá, sau phẫu thuật tai, do cholesteatoma, do lạnh mà đã điều trị nội khoa trên 6 tuần không có hiệu quả, giai đoạn di chứng.
4.3. Phục hồi chức năng
Có thể được ứng dụng gồm liệu pháp nhiệt, kích thích điện, phản hồi sinh học, xoa bóp cơ vùng mặt tập luyện cơ mặt với các động tác nhăn trán, nhíu mày, chỉnh cánh mũi, nhắm mắt, thổi, chu môi, ngậm chặt miệng, phát âm môi các chữ cái b, p, u, i,…
4.4. Y học cổ truyền
Châm cứu: Là phương pháp đưa kim vào vị trí các huyệt thuộc tại chỗ và theo kinh Đởm-Vị, kết hợp các huyệt toàn thân điều trị nguyên nhân gây bệnh. Tác dụng của châm cứu là giúp tăng tuần hoàn máu, khí huyết lưu thông nhờ đó cung cấp dưỡng chất tới dây thần kinh bị liệt, đồng thời chống lại viêm nhiễm tại cơ mặt giúp bệnh phục hồi.
Thuỷ châm: Dùng thuốc hỗ trợ tế bào thần kinh để thuỷ châm tại các huyệt
Cấy chỉ: Là hình thức châm cứu đặc biệt dùng chỉ tiêu có thành phần collagen cấy vào vị trí các huyệt, ngoài mang tác dụng như châm cứu thì cấy chỉ còn giúp nâng đỡ phần da cơ chảy xệ, tiết kiệm chi phí và thời gian
Xoa bóp bấm huyệt vùng mặt, tập luyện cơ mặt
Thuốc thang: Các bài thuốc thường dùng như Đại tần giao thang, Huyết phủ trục ứ thang, … Tuỳ thể bệnh mà bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp.
5. Hướng dẫn chăm sóc người bệnh liệt mặt ngoại biên
Ngay khi phát hiện ra bệnh, cần kiên trì thực hiện các bài tập phục hồi chức năng cơ vùng mặt và các biện pháp chăm sóc thường xuyên:
Giữ ấm vùng mặt khi đi ra ngoài
Giữ vệ sinh mắt: dùng chất làm trơn, nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý…để tránh khô mắt và hạn chế bội nhiễm mắt do mi mắt không nhắm kín, mang kính khi đi ra ngoài, có thể dùng khăm mềm kéo mi mắt bên liệt đóng kín khi ngủ, băng mắt khi ngủ.
Vệ sinh răng miệng: đặc biệt người cao tuổi và trẻ em, do liệt các cơ vùng mặt gây ứ đọng thức ăn khi ăn nhai, thao tác súc miệng bị chảy ra ngoài…nên dễ viêm nhiễm răng miệng.
Tập cơ vùng mặt bên liệt: nhai kẹo cao su, tập phát âm: O,U, E…
6. Phòng ngừa
Không tiếp xúc đột ngột với khí lạnh, giữ ấm cơ thể, hạn chế tắm đêm, không tắm bằng nước lạnh
Tập thể dục thường xuyên
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng