Phát hiện sớm – Can thiệp sớm cho trẻ Bại não

Đăng vào ngày 03/10/2024 lúc: 15:42 281 lượt xem

Theo thống kê của Bộ Y tế, cứ 1.000 trẻ được sinh ra sẽ có 2 – 3 trẻ mắc Bại não. Tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai cao hơn bé gái. Mặc dù căn bệnh này không gây nguy hiểm về tính mạng nhưng để lại những ảnh hưởng nặng nề lên khả năng vận động và điều chỉnh tư thế của trẻ, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ, gia đình và xã hội.

Một trong những yếu tố quyết định khả năng phục hồi của trẻ bại não là thời điểm trẻ được can thiệp sớm hay muộn. Việc phát hiện sớm, can thiệp sớm sẽ giúp trẻ có được cơ hội cải thiện cao nhất, giúp trẻ sớm đạt các mốc phát triển trên các lĩnh vực vận động, ngôn ngữ cũng như các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày, hạn chế những thương tật thứ phát, từ đó nâng cao khả năng tham gia các hoạt động tại gia đình và xã hội để trẻ có thể học tập và thích nghi một cách tốt nhất.

Kỹ thuật P-CIMT tập bắt buộc tay bên liệt

Trẻ V. K 20 tháng lần đầu tiên khám tại Khoa Nhi – BV Phục hồi chức năng Hà Nội khi được 16 tháng, tại thời điểm này, trên lâm sàng, bác sĩ ghi nhận trẻ có dáng đi nhón gót chân trái, tay trái trẻ ở tư thế gập khuỷu, gập cổ tay, bàn tay sấp và các ngón tay thường nắm chặt, tay trái thường rất ít sử dụng. Qua hỏi tiền sử, trẻ có tiền sử mắc cúm A lúc mang thai trẻ 18 tuần, trên phim MRI chụp lúc 9 tháng tuổi, có hình ảnh teo bán cầu đại não phải phần thùy chẩm. Các thăm khám thần kinh cho thấy trẻ có tăng trương lực cơ, tăng phản xạ gân xương nửa người bên trái; cơ lực chức năng tay trái, chân trái yếu; dáng đi nhón gót chân trái; chưa phát âm từ đơn. Trẻ được chẩn đoán Bại não liệt nửa người trái co cứng và được can thiệp toàn diện các lĩnh vực Vận động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Hoạt động trị liệu (Phương pháp P-CIMT tập bắt buộc tay liệt). Chi sau 4 tháng can thiệp, trẻ đã cải thiện trên tất cả các lĩnh vực. Dáng đi cải thiện, giảm nhón gót, thăng bằng đi tốt hơn, tay trái cầm nắm được đồ vật và phối hợp cầm nắm với tay phải, trẻ phát âm nhiều từ đơn, bắt đầu nói câu hai từ để giao tiếp. Chị V.T Yến – mẹ trẻ, cho biết chị rất vui khi ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt của con sau thời gian ngắn can thiệp tại khoa. Chị cũng cho biết sẽ cho con tiếp tục can thiệp đến khi tình trạng con ổn định để con có thể đi học bình thường như các bạn cùng lứa tuổi.

Trẻ Bại não được can thiệp ngôn ngữ trị liệu

Phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ Bại não hoàn toàn có thể thực hiện cho các trẻ từ độ tuổi từ 6 – 24 tháng. Trên thực tế tại khoa Nhi, có nhiều trường hợp trẻ vào khoa khi can thiệp rất sớm từ khi được 4-12 tháng tuổi ngay khi trẻ có các triệu chứng và dấu hiệu nghi ngờ Bại não.

Bộ Y tế đã cung cấp bộ tài liệu về các phương pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các khuyết tật trẻ em, trong đó một hướng dẫn cụ thể dành riêng cho Bại não đã được ban hành để giúp nhân viên y tế trong việc đánh giá nguy cơ mắc Bại não cho trẻ.

Tại Khoa Nhi BV Phục hồi chức năng Hà Nội, công tác thăm khám và đánh giá trẻ có nguy cơ bại não được tiến hành chặt chẽ. Các trẻ nghi ngờ sẽ được hỏi kỹ tiền sử sơ sinh để phát hiện nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ, sau đó trẻ được thăm khám và lượng giá kỹ về các dấu hiệu thần kinh, khả năng vận động, ngôn ngữ, các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày, các khiếm khuyết và rối loạn phát triển đi kèm khác. Từ đó có chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp can thiệp sớm và phù hợp nhất cho từng trẻ.

 

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *