Đau lưng ở tuổi trung niên

Đăng vào ngày 12/08/2021 lúc: 09:09 1994 lượt xem
Tình trạng đau lưng là những vấn đề phổ biến hay gặp hiện nay. Thậm chí bệnh đau lưng còn hay gặp ở phụ nữ trẻ tuổi. Điều đó cho thấy đau lưng có thể gặp phải ở bất kỳ người phụ nữ nào đặc biệt ở độ tuổi trung niên và người cao tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bệnh nhân nữ 42 tuổi ở Hưng Yên là nhân viên văn phòng, thường xuyên đau mỏi lưng từ nhiều năm nay nhưng chủ quan không đi khám và tự tập một số động tác đơn giản tuy nhiên không hiệu quả. Sau gần 1 năm không những không cải thiện mà ngày càng đau hơn, cơn đau liên tục dẫn đến chị không thể cúi thấp nhặt đồ, thậm chí gây mất ngủ kéo dài do đau nhiều về đêm. Đặc biệt, trong những ngày rét đậm vừa qua, thậm chí đau buốt lên tận đầu và cảm thấy ảnh hưởng nhiều tới công việc và cuộc sống. Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, bệnh nhân được chẩn đoán do thoát vị đĩa đệm đa tầng và phải thực hiện theo phác đồ phục hồi chức năng bao gồm: Kéo giãn cột sống, kỹ thuật tập vận động và 1 số bài hướng dẫn tự vận động có hiệu quả.
 
Hay bệnh nhân nữ 55 tuổi (Yên Bái) vừa nhập viện do đau lưng lan xuống mông chân, không đi lại di chuyển được. Trước đó, bệnh nhân tự mua thuốc điều trị nhưng không khỏi. Sau khi thăm khám được chẩn đoán đau thần kinh tọa kèm loãng xương độ 2, phác đồ điều trị phục hồi chức năng kết hợp truyền thuốc điều trị loãng xương, sau 2 tuần bệnh nhân đã hết đau và các vấn đề về vận động được cải thiện nhiều.
Hay với trường hợp bệnh nhân nữ 40 tuổi (Hà Nội), gần đây thấy thường xuyên đau mỏi thắt lưng, không cúi được, vận động đau tăng. Sau khi đến khám, bác sĩ đã chẩn đoán thoái hóa cột sống. Do được phát hiện sớm nên mức độ thoái hóa nhẹ, bệnh nhân được chỉ định điều trị phục hồi chức năng bao gồm: nhiệt trị liệu giúp làm mềm cơ, kỹ thuật xoa bóp vùng, tác động cột sống kết hợp sử dụng máy kéo giãn cột sống sau 2 tuần các triệu chứng cải thiện rõ. Bệnh nhân được tư vấn và hướng dẫn các bài tự tập nhằm tăng độ giãn nở cột sống, các động tác cúi đúng tránh tác động đột ngột hoặc dồn trọng lực vào cột sống gây tăng nguy cơ tiến triển nặng hơn của bệnh, đồng thời khuyến khích tập thể thao bơi lội để giúp cải thiện triệu chứng bệnh thoái hóa một cách đáng kể.
Theo các nghiên cứu thì có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau lưng như: bị căng cơ do làm việc quá sức, cột sống bị thoái hóa do tuổi, thoát vị đĩa đệm, một nguyên nhân cũng không thể không nhắc tới đó là do làm việc không đúng tư thế, trong đó có sự liên quan về cấu trúc khung xương chậu, hormone sinh dục và nghề nghiệp của nữ giới. Ngoài ra còn có đau do căng cơ, thoát vị đĩa đệm thắt lưng, đau lưng do dây thần kinh tọa…
Có những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đau lưng như phụ nữ đang mang thai, nhân viên văn phòng phải ngồi liên tục nhiều giờ trong ngày và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, người lao động chân tay, nhất là mang vác nặng, người béo phì, phụ nữ bị bệnh lý về phụ khoa, bệnh xương khớp hoặc phụ nữ thường xuyên đi giày, guốc cao gót.
Đặc biệt, phụ nữ bị đau thắt lưng nếu chậm trễ trong việc điều trị có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm khác như tổn thương thần kinh do hội chứng chèn ép dẫn tới dấu hiệu tê bì hoặc mất cảm giác hai chân, yếu liệt các cơ chi dưới, mất khả năng vận động, nặng hơn là rối loạn kiểm soát đi tiểu..
Do đó, nếu thấy có dấu hiệu bị đau lưng liên tục và ảnh hưởng tới công việc cũng như chất lượng cuộc sống, các chị em phụ nữ nên đi gặp bác sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt. Tránh tự ý mua thuốc điều trị không rõ nguồn gốc, thậm chí một số thực phẩm chức năng trên thị trường gây nguy hại cho sức khỏe và tiến triển bệnh nặng do chậm trễ điều trị.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, chị em nên có chế độ sinh hoạt hàng ngày hợp lý (không ngồi quá lâu một tư thế hoặc làm việc sai tư thế, nên vận động cơ thể giữa giờ làm việc…
Phụ nữ ngoài 40 tuổi nên kiểm phát hiện sớm hiện tượng thiếu can xi hoặc dấu hiệu sớm loãng xương để được bác sĩ khám bệnh cho chỉ định dùng thuốc điều trị kịp thời, đồng thời có chế độ sinh hoạt hợp lý, khám định kỳ, kiểm soát tình trạng rối loạn chuyển hóa, đặc biệt chuyển hóa can xi, về lâu dài sẽ gây loãng xương nặng và thoái hóa xương khớp.
Lưu ý chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bổ sung canxi hợp lý và hiệu quả kết hợp vận động cơ thể hàng ngày nhẹ nhàng, khuyến khích các môn thể thao bơi lội, đạp xe, đi bộ…
BS. Nguyễn Thị Việt Hà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *