Trong bối cảnh tệ nạn ma túy ngày càng diễn biến phức tạp và xu hướng trẻ hóa người sử dụng, công tác phòng, chống ma túy không còn là nhiệm vụ riêng của lực lượng chức năng mà cần đến sự chung tay của toàn xã hội. Với mục tiêu xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, chủ động trang bị kiến thức để phòng ngừa từ sớm, phát hiện từ xa, hành động kịp thời. Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2025 với chủ đề “Chung một quyết tâm – Vì cộng đồng không ma túy”, thể hiện rõ cam kết về trách nhiệm xã hội, đồng thời khẳng định quyết tâm trong công cuộc đẩy lùi hiểm họa ma túy.
Nhận diện ma túy “núp bóng” và những thủ đoạn tinh vi
Theo báo cáo của Bộ Công An, ma túy thường xuất hiện theo 2 dạng: Dưới các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm…) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói. Ma túy được pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử… Ma túy “núp bóng” thường được đựng trong các gói trà, gói bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Yaoyao hoặc “nước dâu”, “nước vui”, cà phê “White Coffe”….được vận chuyển về Việt Nam theo dạng hàng hóa xách tay, đường bộ, đường thủy, đường hàng không… và dễ dàng rao bán tại các trang mạng xã hội, cửa hàng trực tuyến hoặc bán trực tiếp tại các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường….
Song song đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng tạo điều kiện để các hành vi mua bán, trao đổi chất cấm diễn ra ngày càng tinh vi hơn – từ mạng xã hội, các nền tảng trực tuyến cho đến ứng dụng trò chuyện mã hóa. Tội phạm ma túy lợi dụng hình thức giao dịch nhanh chóng, ẩn danh, khiến cho công tác điều tra, phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Nhận diện sớm để kịp thời hành động
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, cả nước có gần 230.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 – 25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13 – 15 tuổi; trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp thì có tới 70 – 75% người trong độ tuổi 17 – 35 tuổi, chiếm tỉ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên. Đây là những đối tượng mới lớn, đang trong độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, thích trải nghiệm cái mới và có nhu cầu thể hiện bản thân, nhanh chóng trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới.
Việc sử dụng ma túy, dù chỉ một lần, có thể gây tác động nghiêm trọng đến hệ thần kinh, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe não bộ, tâm lý, khả năng học tập và làm việc. Việc phát hiện sớm những dấu hiệu này giúp gia đình, nhà trường và xã hội có thể can thiệp, hỗ trợ kịp thời, tránh để tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Theo đó, một số dấu hiệu bất thường ở người sử dụng ma túy dễ nhận thấy như: thay đổi giờ giấc sinh hoạt, thức khuya, dậy trễ, hay tụ tập với nhóm người lạ; sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên, ít giao tiếp với người thân, mệt mỏi, lười lao động, giảm sút học lực. Ở giai đoạn nặng, người nghiện có thể có các biểu hiện rõ rệt hơn như mắt lờ đờ, cơ thể có mùi khó chịu, môi thâm, sút cân nhanh, trộm cắp đồ đạc trong nhà để có tiền sử dụng ma túy.
Bên cạnh đó, có một bộ phận không nhỏ người nghiện ma túy khi nhận ra tác hại của ma túy và muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào nó. Tuy nhiên, vòng luẩn quẩn: Quyết định cai ma túy – Không cai được – Lại cai – Lại không cai được… khiến người nghiện giằng co với sự khốn đốn về tinh thần, đau đớn về thể xác, kiệt quệ về tài chính. Việc không thắng nổi sự cám dỗ của ma túy đẩy họ vào tình trạng khủng hoảng tinh thần trầm trọng, khiến họ vừa tự hủy hoại mình vừa gây tổn hại đến gia đình và xã hội bởi những hành vi thiếu lý trí, trường hợp nặng có thể dẫn đến ảo giác, co giật, hôn mê, suy tim, sốc phản vệ, thậm chí tử vong.
Chung một quyết tâm – vì cộng đồng không ma túy
Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình – xã hội và sự vào cuộc mạnh mẽ của từng cá nhân, công tác phòng chống ma túy sẽ không còn là khẩu hiệu mà trở thành hành động thực tiễn. Khẳng định tinh thần ấy, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy 2025 “Chung một quyết tâm – Vì cộng đồng không ma túy” như một lời cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng xã hội lành mạnh, an toàn.